Ẩm thực BLÓG

Ẩm thực Việt Nam với các món ăn ngon, lạ, các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm được blog tại đây.

Ẩn họa từ suất ăn công nhân

(HQ Online)- Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc thực phẩm bắt nguồn từ những suat an cong nghiep của công nhân liên tiếp xảy ra với số lượng người mắc lên đến con số hàng trăm.

Ẩn họa từ suất ăn công nhân
Cần đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, giúp người công nhân tái tạo sức LĐ (Ảnh: X.T)

Thực trạng an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp càng ngày phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Đáng báo động

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 283 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập trên 58 tỉnh, thành phố cả nước thu hút hàng triệu lao động (LĐ). Là nơi sử dụng một lực lượng lớn LĐ, việc đảm bảo chất lượng bữa ăn ca, chăm lo sức khỏe và đời sống giúp người LĐ đảm bảo sức khỏe, tái tạo sức LĐ nhằm đạt năng suất LĐ cao lại chưa được các DN quan tâm đúng mức.

Trong khi hàng hóa giá cả leo thang từng ngày mà 5-6 năm nay các suất ăn của công nhân vẫn chỉ từ 8.000-12.000 đồng/bữa/người. Với số tiền trên, việc các bếp ăn tập thể có thể đảm bảo đủ thức ăn cho công nhân đã là cố gắng chứ đừng nói gì đến việc chọn mua những thực phẩm đảm bảo, không bị ôi thiu và càng đừng nói gì đến việc đảm bảo đủ dinh dưỡng cho người LĐ.

Số liệu vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố sau kết quả khảo sát về sức khỏe của công nhân, LĐ tại các xí nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất trên địa bàn TP.HCM thì cứ 10 công nhân có 3 người suy dinh dưỡng. 20% bị thiếu máu và trên 70% công nhân thiếu i ốt. Chưa kể đến việc đảm bảo dinh dưỡng cho người LĐ tại các khu công nghiệp mà việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn tập thể dành cho công nhân từ trước đến nay vẫn luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đặc biệt là hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra trong thời gian vừa qua. Đây là hệ quả của các suất ăn có giá từ 8.000-12.000 đồng/bữa/người hơn 6 năm không thay đổi giá...

Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 năm gần đây (2007-2011), đã xảy ra 72 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp, khu chế xuất làm gần 7.000 người mắc với gần 6.600 ca phải nhập viện. Riêng trong quý III năm nay đã xảy ra 67 vụ ngộ độc thực phẩm trong toàn quốc với gần 2.300 người mắc bệnh, hơn 2.200 người phải đi viện và 15 người chết.

Trong số này, có 16 vụ ngộ độc lớn trên 30 người. Đáng lưu ý, ngộ độc xảy ra tập trung tại các gia đình là 36 vụ, chiếm hơn 55% và bếp ăn tập thể là 11 vụ (chiếm 17%). Tuy chỉ chiếm 17% trong tổng số vụ ngộ độc nhưng do mức độ ảnh hưởng rộng nên số lượng nạn nhân rất lớn. Những vụ ngộ độc thực phẩm phần lớn xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Hải Phòng làm hàng trăm công nhân phải nhập viện điều trị.

Gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty Hansoll Vina, khu công nghiệp Sóng Thần I, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương có quy mô lớn với hơn 1.600 người ăn, số người bị ngộ độc thực phẩm phải đi điều trị tại bệnh viện là 238 người.

Thả nổi việc kiểm tra

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, đa số các DN đều không muốn tổ chức bếp ăn ngay trong khu công nghiệp vì DN vừa phải bỏ ra quỹ đất vừa phải chịu chi phí xây dựng. Trong khi đó, nếu có chuyện ngộ độc xảy ra sẽ không tránh được việc bị quy trách nhiệm. Do vậy, các DN thường chọn phương án “khoán trắng” cho các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp mà không cần biết nơi đó đã được sở y tế cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm hay chưa, chất lượng suất ăn như thế nào.

Chính vì thả nổi việc kiểm tra, quản lý chất lượng bữa ăn của công nhân cho nhà cung cấp nên bữa ăn công nhân vốn dĩ đã teo tóp nay lại phải gồng thêm hàng loạt các chi phí nữa từ 10% giá trị gia tăng đến chi phí vận chuyển và cả lợi nhuận của nhà cung cấp. Như vậy tuy trên hợp đồng suất ăn công nhân có giá từ 8.000-12.000 đồng/bữa/người nhưng khi đến tay người công nhân, suất ăn đó giá còn ít hơn nữa.

Hiện Chính phủ không quy định DN phải hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người LĐ, trừ DN 100% vốn Nhà nước được trích không quá 620.000 đồng/tháng, tương đương 23.850 đồng/bữa/người. Song, trên thực tế các DN đều hỗ trợ tiền ăn giữa ca với mức phổ biến 8.000-12.000 đồng/bữa/người. Chính vì vậy, nhiều DN đã lợi dụng kẽ hở này để trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, khi đó chỉ có DN cung cấp thức ăn là phải chịu trách nhiệm trực tiếp còn chủ sử dụng LĐ thì vẫn đứng ngoài vòng truy cứu trách nhiệm.

Vì vậy, nếu vấn đề an toàn thực phẩm tại các khu công nghiệp nếu không được giải quyết sớm thì những người công nhân hàng ngày vẫn nơm nớp nỗi lo trong từng bữa ăn. Cuối cùng chỉ có người công nhân là phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, sức LĐ bị mài mòn từ chính những suất ăn.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để giải quyết được tình trạng trên, chúng ta có thể vận động các nhà máy xây dựng bếp ăn tập thể cho công nhân. Kêu gọi những DN có trên 1.000 công nhân tự lo bữa ăn cho công nhân trong nhà máy, nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân là một trong những giải pháp trước mắt.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đưa ra thông tư liên tịch quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trong các khu công nghiệp, trong đó quy định về khẩu phần ăn, chất lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho công nhân và chỉ tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xuân Thảo