Ẩm thực BLÓG

Ẩm thực Việt Nam với các món ăn ngon, lạ, các dịch vụ ăn uống, nhà hàng, các thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm được blog tại đây.

Muối kim chi cải thảo đúng kiểu Hàn Quốc

Kim chi cải thảo đúng điệu Hàn Quốc không thể thiếu mắm tép và lê (hoặc táo) làm hỗn hợp gia vị. Công thức muối kim chi cải thảo này theo hướng dẫn của chị Ngọc Thùy, vợ anh Kim Dong Jin, một người Hàn Quốc công tác trong lĩnh vực trang trí nội thất, hiện sống tại TP HCM. Chị Ngọc Thùy là chủ một tiệm bánh Hàn Quốc khá nổi tiếng tại quận 2.

Nguyên liệu

Nguyên liệu chính: Cải thảo: 2 bắp to (3-4 kg), muối hột.

Nguyên liệu làm gia vị: 2 củ cải trắng, 2 cà rốt, 2 hành tây.

Hẹ lá 50 g, hành poarô nửa cây. Lê (hoặc táo): 1 trái, tỏi: 200 g, gừng 50 g, ớt đỏ: 3-5 trái, mắm tép 60 g (mua tép tươi nhỏ trong siêu thị Hàn Quốc có bán), bột nếp 10 g. Ớt bột 100-150 g (nên mua ở siêu thị Hàn Quốc), nước mắm ngon 10 g, muối 40 g, đường 80 g.


Một số nguyên liệu làm hỗn hợp gia vị gồm táo, hành tây, cà rốt, củ cải, tép, ớt bột, ớt trái, hẹ, hành paro

Chuẩn bị

Cải thảo cắt bổ dọc thành hai hoặc bốn tùy theo độ lớn nhỏ của bắp cải. Rắc muối hột vào từng bẹ lá cải, sau đó cho thêm nước vào xâm xấp với mặt cải. Ngâm cải trong nước muối 6 giờ, cho tới khi cải chín muối. Sau đó vớt cải ra rửa sạch lại bằng nước lạnh nhiều lần và vắt cải cho ráo nước. Nếu cần, bạn có thể dùng một vật nặng đè lên, ép để cải hoàn toàn ráo nước.

Củ cải, cà rốt, hành tây cắt sợi dài, mỏng. Hẹ lá cắt khúc dài 3 cm. Hành poaro cắt lát mỏng. Gừng, tỏi và táo (lê) xay nhuyễn. Tép băm nhỏ hoặc xay nhuyễn. Ớt trái đỏ móc bỏ hột, xay hơi nát. Bột nếp pha với một chén nước, đun sôi cho sánh lại (hoặc có thể dùng gạo nếp nấu thành cháo, sau đó xay nhuyễn).

Cách làm

Trộn hỗn hợp gia vị

Trộn đều các nguyên liệu làm gia vị bột nhân đã chuẩn bị trên chung lại với nhau thành một hỗn hợp. Nêm thử có vị đậm đà là được.

Trộn hỗn hợp gia vị

Muối cải

Dùng hỗn hợp đã trộn sẵn, thoa đều vào từng mặt của lá cải, sau khi thoa đều hỗn hợp gia vị, bạn phải túm bắp cải lại cho thật chặt, giúp cho cải thấm đều gia vị khi muối thành kim chi.

Thoa hỗn hợp vào từng mặt lá cải

Cải sau khi ướp gia vị thì xếp vào hộp, đậy nắp kín, để nơi thoáng mát 6-10 tiếng. Sau đó đem vào tủ lạnh, bảo quản ở nhiệt độ 5-10 độ C. Kim chi sau khi làm xong có thể ăn ngay, tuy nhiên nếu thích ăn kim chi có vị hơi chua thì nên để thêm ở ngoài 12-24 tiếng rồi hãy cho vào tủ lạnh. 


Thành phẩm

Những điều cần lưu ý

Khi ngâm nước muối cho cải, cải chín muối là lá cải có màu trắng đục, nếu màu trắng trong là cải bị úng nước phải bỏ đi. Khi làm kim chi cũng phải chú ý đến thời tiết, nếu thời tiết lạnh 1-15 độ C thì dùng bột nếp sẽ tạo men chua nhanh. Thời tiết nóng trên 28 độ C, nên làm ít bột nếp hoặc không cần cho bột nếp để kim chi lâu lên men chua, bảo quản kim chi trong thời gian lâu hơn.

Bài và ảnh: Phương Loan

Read More...

Sandwich cuộn tôm

Với chút biến tấu, sandwich cuộn tôm chiên là món có hương vị hấp dẫn, phù hợp với cả các nhóc tì.

Nguyên liệu: Tôm, bánh mì sandwich, tương xí muội, sốt mayonaise, đậu Hà Lan (khoảng 20 g), hành tím, mộc nhĩ và các loại gia vị nêm nếm.



Ảnh: Rosa.


Cách làm:

- Đậu Hà Lan, hành tím băm thật nhuyễn.

- Tôm làm sạch rồi dùng xiên que đâm thẳng con tôm, sau đó bắc chảo lên bếp, cho dầu vào rồi đem chiên tôm cho vàng. Chú ý, tôm không bóc vỏ, để nguyên con. Sau khi chiên tôm chín vàng, lột vỏ tôm chừa đuôi lại.

- Sandwich cắt bỏ phần rìa rồi đem cán mỏng ra.

- Mộc nhĩ ướp với xíu muối + đậu Hà Lan + hành tím đã băm nhuyễn, tất cả trộn đều lên. Quệt hỗn hợp này vào một miếng sandwich rồi cho một con tôm vào cuộn tròn lại. Làm như vậy cho đến hết tôm.

- Bắc chảo lên bếp, cho nhiều dầu vào, cho tôm vào chiên sao cho tôm ngập dầu, sau đó để lửa riu riu cho tôm chín rồi vớt ra là được.

Khương Rosa

Read More...

Món ăn Việt được chuộng trong Vua đầu bếp

Các thí sinh Vua đầu bếp chia thành hai đội. Dù mắc nhiều sai sót nhưng đội với thực đơn thuần Việt vẫn được các giám khảo khách mời bỏ nhiều phiếu hơn.

Ở thử thách đồng đội tuần này, giám khảo là 51 cán bộ và chiến sĩ phòng cháy chữa cháy của Trung tâm Cứu hỏa quận 2, TP HCM. Đội giành chiến thắng là đội nhận được nhiều phiếu bình chọn nhất từ các cán bộ và chiến sĩ công an.

Nhiệm vụ của các thí sinh là phải nấu một bữa ăn 3 món gồm món khai vị, nướng và món tráng miệng phải có bột mì. Các món ăn phải đầy đủ chất dinh dưỡng và kip thời gian dành cho các chiến sĩ khi họ vừa kết thúc công việc. Mỗi đội có 15 phút để lên thực đơn và chọn nguyên liệu, 120 phút để chế biến.

Đội Đỏ do Ngọc Ái làm đội trưởng với các thành viên Lê Chi, Khánh Phương mắc nhiều lỗi trong quá trình thực hiện như bất đồng ý kiến, tính toán nguyên liệu cho món chính không chính xác, phải lấy thêm nhiều lần.

Các thành viên đội Xanh gồm Minh Nhật, Xuân Huy và đội trưởng Thu Thủy đang kêu gọi các chiến sĩ công an bỏ phiếu cho mình. Phối hợp ăn ý hơn nhưng đội Xanh (với thực đơn mang phong cách châu Âu là Salad dầu giấm, Bò bít tết sốt nấm và Bánh bông lan cuộn) vẫn ít hơn đội Đỏ (với thực đơn thuần Việt gồm Súp rau củ, Thịt gà nướng và Chè khoai lang) một phiếu bầu.

Thất bại trong phần thi Đồng đội, ba thành viên của đội Xanh phải thi thêm thử thách loại người. Đây là lần thứ ba Minh Nhật và Xuân Huy cùng ở trong một đội và đội của họ lại thất bại. Bài thi loại người trực tiếp là một món ăn dựa trên nền tảng của món cuốn và được lấy cảm hứng từ món chạo tôm của Huế mang tên “Cuốn chả mực nướng mía”.

Lần đầu thực hiện chạo mực lẫn bánh cuốn nhưng Minh Nhật tỏ ra hoàn toàn tự tin và làm chủ được công việc của mình. Tính toán nguyên liệu chính xác cùng kỹ thuật nấu nướng nhuần nhuyễn, Minh Nhật đã chứng minh mình không dễ khuất phục trước những thử thách khó khăn của chương trình.

Sản phẩm thất bại của Thu Thủy khi gần như không tráng được chiếc bánh cuốn nào hoàn chỉnh do pha bột quá loảng. Nước chấm và cách trình bày cũng có vấn đề vì thời gian quá ít. Theo giám khảo Kim Oanh, chị đã không biết quản lý thời gian còn giám khảo Tuấn Hải lại cho rằng chị đã chủ quan.

Món ăn trình bày đẹp mắt của Xuân Huy nhưng phần chạo mực lại khiến các giám khảo thất vọng khi chưa đạt được độ giòn, dai và ngon như yêu cầu. Những sai lầm trong khâu kết hợp nguyên liệu đã làm cho món ăn này bị lệch đi nhiều so với món ăn nguyên mẫu.

Bài: Kim Anh - Ảnh: Ân Nguyễn

Read More...

Giòn ngon bông mướp xào bò bắp

Những ngọn mướp còn nguyên bông vàng tươi là nguyên liệu cho món xào bò ngon. Nguyên liệu món ăn gồm 200g ngọn mướp, 200g bò bắp tươi, một củ tỏi, ớt, hành và các gia vị khác. Cách chế biến: Những đọt mướp non, tước lớp vỏ, cắt thành những đoạn vừa ăn, rửa sạch, để ráo nước.


Bông mướp xào, món ăn lạ miệng cho bữa tối. Ảnh: Hội An.

Trụng nhanh ngọn mướp vào nước sôi cho mềm để khi xào rau giữ được màu xanh bắt mắt. Bởi nếu cho vào xào trực tiếp thì ngọn mướp sẽ dễ bị thâm đen.

Bò thái lát mỏng, ướp chút hạt nêm, hành khô và dầu ăn cho thịt ngấm gia vị. Tỏi băm nhỏ là nguyên liệu không thể thiếu giúp món ăn thêm đậm đà hương vị.

Khử dầu thơm, cho ngọn mướp vào xào với tỏi, sau đó cho thịt bò xào vào xào nhanh, nêm gia vị vừa miệng. Bày bông mướp xào bò ra đĩa, cho thêm chút ớt tươi hoặc tiêu cho món ăn thêm đậm đà.

Món xào thích hợp ăn với cơm nóng hoặc đi kèm bánh đa nướng giòn đều hợp. Ngọn mướp xào chín nhưng vẫn giữ được độ dai dai, vị bùi bùi nên ăn hoài không ngán là gợi ý để đổi bữa cho cả nhà.

Hội An

Read More...